Tính cách Lý Thạnh

Năm thứ 3 (787), Thạnh bị bãi binh quyền, ngoài việc vào triều thì chẳng có mấy chỗ để đi lại. Thông vương phủ trưởng sử Đinh Quỳnh từng bị Trương Duyên Thưởng bài xích, sinh lòng oán hận, cho rằng Thạnh công cao sẽ khó bảo toàn được thân, khuyên nên sớm đề phòng hậu họa. Thạnh nổi giận cự tuyệt.

Khi Thạnh còn ở Phượng Tường, bày tỏ với Tân Giới sự hâm mộ đối năng thần Ngụy Chinh thời Đường Thái Tông. Hành quân tư mã Lý Thúc Độ nói rằng Thạnh đã là danh tướng, không cần học theo bọn nhà nho. Thạnh nghiêm mặt phản bác, cho rằng bề tôi không thể biết mà không nói, như thế thì chẳng thể trách hoàng đế không anh minh. Thúc Độ xấu hộ lui đi. Thạnh về triều, mỗi khi trả lời hoàng đế, đều nói đến tận ý, thái độ vô cùng cung kính, thể hiện tiết tháo của bậc đại thần.

Khi Thạnh cầm quân, tra xét mọi việc rất rạch ròi, ghi công tướng sĩ đều chép rõ quá trình; lại rất ghét bộ hạ kết bè đảng, thường khuyến thiện trừ ác. Thạnh tính trầm mặc, không bộc lộ suy nghĩ; ai có ơn với mình thì ắt sẽ báo đáp rất hậu. Lam Châu thứ sử Đàm Nguyên Trừng từng giúp đỡ Thạnh, Nguyên Trừng bị đày đi Nhạc Châu rồi mất ở đấy. Sau khi Thạnh hiển quý, bèn kêu oan cho Nguyên Trừng, nên triều đình tặng ông ta chức Ninh Châu thứ sử. Thạnh vỗ về, tiếp đãi ân cần ba con trai của Nguyên Trừng, giúp họ học thành tài mà làm quan.

Con cháu nhà họ Lý được dạy dỗ rất nghiêm, trời chưa sáng thì không gặp mặt, nói chuyện thì không bàn việc công. Thạnh xem con cháu nhà họ Vương của mẹ cũng như con cháu trong nhà. Con gái của Thạnh được gả cho Hình bộ thị lang Thôi Xu, ngày đầu năm mới mang quà về nhà, còn chưa qua khỏi bậc thềm đã bị Thạnh đuổi đi, dạy cô ta phải giúp đỡ nhà chồng tiếp đón khách khứa.